Job Search, career and employment in Long An

Thiết thực hỗ trợ người đi xuất khẩu lao động

Thiết thực hỗ trợ người đi xuất khẩu lao động

97 lượt xem - Ngày tạo 20/09/2024
Các tin khác

Nhằm hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các địa phương ĐBSCL đã thực hiện nhiều giải pháp để khi trở về, họ nhanh chóng ổn định cuộc sống,

Đề án đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại các địa phương ĐBSCL đã giúp nhiều người tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đề án này góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội.

Tạo thuận lợi tối đa

Sau thời gian tìm hiểu thông tin qua Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Cần Thơ, anh Nguyễn Thế Vinh (ngụ huyện Thới Lai) quyết định đăng ký đi làm việc tại Nhật Bản. Anh chọn nghề trang trí nội thất vì phù hợp, với mức lương 32 triệu đồng/tháng.

Vinh cho biết điều quan trọng nhất là Trung tâm DVVL TP Cần Thơ hỗ trợ giới thiệu anh vay tối đa 100 triệu đồng để ký quỹ, trong khi những năm trước không có chính sách này. "Doanh nghiệp (DN) phái cử còn hỗ trợ 2 triệu đồng chi phí khám sức khỏe. Vì vậy, tôi rất an tâm đăng ký đi xuất khẩu lao động (XKLĐ)" - anh bày tỏ.

Anh Trần Văn Tùng (ngụ tỉnh Cà Mau) cũng đã đến Trung tâm DVVL tỉnh để tìm hiểu thông tin tuyển dụng lao động sang Nhật Bản làm việc theo hợp đồng. Ngoài việc được tư vấn, định hướng chọn ngành nghề phù hợp khả năng, anh còn được hỗ trợ chi phí khám sức khỏe, học tiếng Nhật, làm visa… Do đó, anh đã đăng ký và dự kiến tháng 3-2025 sẽ sang Nhật Bản làm việc.

Ông Trần Văn Hết (ngụ huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ cận nghèo tại địa phương. Nhờ con trai đi XKLĐ tại Nhật Bản gửi tiền về nên gia đình đã trả hết nợ và xây dựng được căn nhà khang trang.

"Con tôi dự định làm việc thêm một thời gian nữa để tích lũy vốn và kinh nghiệm rồi sẽ trở về quê hương làm ăn" - ông Hết tiết lộ.

Người lao động được tư vấn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau trước khi đi xuất khẩu lao động. Ảnh: VÂN DU

Trong khi đó, năm 2020, học xong THPT, anh Trần Nhật Long (ngụ xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) sang Nhật Bản làm việc theo hợp đồng XKLĐ. Làm trong ngành cơ khí tự động với thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng, sau 4 năm, anh tích góp được khoảng 700 triệu đồng và gửi về cho gia đình sửa nhà.

Ngoài ra, khi XKLĐ, Long còn học được kỹ năng nghề và tiếng Nhật, ý thức trong công việc cũng tốt hơn… Về nước, anh đã mở cơ sở hàn - tiện và có thu nhập khá ổn định.

Được vay đến 100 triệu đồng

Để hỗ trợ NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, các địa phương ĐBSCL đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực.

Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL TP Cần Thơ, cho biết HĐND thành phố vừa thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Nghị quyết này quy định NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được vay với mức bằng 100% chi phí ký kết với DN, không vượt quá 100 triệu đồng. Ngoài ra, NLĐ còn được hỗ trợ tiền học ngoại ngữ, xăng xe...

Bên cạnh đó, DN đến Cần Thơ tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ hỗ trợ NLĐ khám sức khỏe với chi phí 2 triệu đồng/người. NLĐ đi XKLĐ tại Nhật Bản còn được đào tạo ngoại ngữ miễn phí.

"Trong quá trình NLĐ học tiếng Nhật, chúng tôi gửi lịch để họ chọn phỏng vấn phù hợp với khả năng, ngành nghề. Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) còn mời các DN có chức năng, uy tín về Cần Thơ ký kết thỏa thuận, tuyển dụng nhiều lao động với ngành nghề đa dạng để NLĐ lựa chọn" - bà Chung nhấn mạnh.

Tại Cà Mau, bà Quách Thanh Thoảng, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh, thông tin đơn vị đã chủ động phối hợp với Phòng LĐ-TB-XH một số huyện và TP Cà Mau tổ chức cho hàng trăm cộng tác viên hỗ trợ trung tâm thực hiện nhiều lớp tập huấn, tư vấn, giới thiệu NLĐ đi làm việc nước ngoài. Trung tâm còn tổ chức 37 buổi tư vấn việc làm trực tiếp tại các xã, thị trấn cho hơn 10.361 người, nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong khi đó, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Long An cho hay nhờ tích cực tuyên truyền Đề án đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng và thực hiện nhiều giải pháp, từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh đã đưa khoảng 300 lao động đi XKLĐ. Trong đó, Nhật Bản là 179 người, Đài Loan (Trung Quốc) 32 người, còn lại là các thị trường khác. 

Thu nhập ổn định

Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã đưa hơn 15.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (trong đó có 6.700 nữ). Lao động Đồng Tháp đi làm việc ở nước ngoài tập trung nhiều nhất là thị trường Nhật Bản (chiếm 76%), Đài Loan (Trung Quốc; 13%), Hàn Quốc (8%).

Bình quân, một NLĐ đi làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc sau khi trừ các khoản chi phí thì còn khoảng 20 - 25 triệu đồng/tháng. Đây là nguồn thu nhập đáng kể, nhất là với các gia đình nghèo, khó khăn.

Theo Báo Người lao động

02723 871711
0842 871 711