Theo quy định pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, trường hợp người sử dụng lao động không ký hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm xã hội cho đối tượng lao động bắt buộc tham gia là trái quy định. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người lao động, địa phương có thể xem xét, hỗ trợ nhóm lao động này căn cứ quy định tại khoản 12, mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP, đồng thời yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện các quy định liên quan về bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm thất nghiệp... để bảo đảm quyền và nghĩa vụ cho người lao động.
Theo tinh thần chung, Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg giao cho các địa phương quy định chính sách hỗ trợ cho lao động tự do, tùy thuộc vào điều kiện, đặc điểm, bối cảnh dịch bệnh của từng địa phương (ngân sách, số lượng lao động tự do, dịch bệnh ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng,…).
Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định nguyên tắc mỗi đối tượng chỉ được một lần trong 1 chính sách hỗ trợ.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường, việc hiểu và áp dụng các chính sách ở mỗi địa phương cần được thực hiện sáng tạo, linh hoạt và chủ động, nhằm đảm bảo phù hợp với công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở mỗi địa phương và hỗ trợ nhanh chóng, đúng đối tượng cho người dân, người lao động trên địa bàn. Trường hợp địa phương xét thấy cần thiết phải hỗ trợ nhiều lần cho lao động tự do thì địa phương áp dụng các quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ngân sách Nhà nước để quy định chính sách cho lao động tự do (đối tượng, điều kiện, mức hưởng, số lần hưởng,…).
Ngày 07/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định cụ thể việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó, có đối tượng là hộ kinh doanh.
Tại chương IX, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg nêu rõ hồ sơ, trình tự, thủ tục như sau:
1. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ: Hộ kinh doanh được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
- Có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế.
- Phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.
2. Mức hỗ trợ và phương thức chi trả:
- Mức hỗ trợ: 3.000.000 đồng/hộ kinh doanh.
- hương thức chi trả: Trả 01 lần cho hộ kinh doanh.
3. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện
- Hộ kinh doanh gửi đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 01 năm 2022.
- Trong 03 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận về việc tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh; niêm yết công khai; tổng hợp, báo cáo gửi Chi cục Thuế.
- Trong 02 ngày làm việc, Chi cục Thuế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp.
- Trong 02 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Trong 02 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện hỗ trợ. Trường hợp không hỗ trợ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bên cạnh đó, sau khi Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, đến nay 63 tỉnh/ thành phố đã báo cáo về kế hoạch hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Trong đó, nhiều địa phương đã đưa ra chính sách hỗ trợ riêng cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù. Người dân/ doanh nghiệp có thể theo dõi kế hoạch triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của địa phương nơi mình đang cư trú và hoạt động tại đây để nắm rõ hơn thông tin và liên hệ các cơ quan có thẩm quyền để được hỗ trợ.